Tin tuc

Cần sớm khuyến khích chuyển đổi phương thức từ gia công sang FOB

Năm 2017 ngành dệt may có nhiều cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế nhưng cũng gặp nhiều thách thức, đặc biệt đối với các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa, với xuất phát điểm thấp, việc cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập rất vất vả.

Bộ Công Thương cho rằng, trong năm 2017 tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may nhỏ và vừa trong nước khả năng sẽ gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, có thể mất các đơn hàng truyền thống về khối các doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh cao hơn, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Vitas trên Báo điện tử Sài gòn đầu tư, vấn đề đáng lo ở đây, đó là ngành dệt may Việt Nam đang rơi vào tình trạng “thắt cổ chai”. Bởi lẽ, hầu hết nguyên phụ liệu dùng cho sản xuất đều phụ thuộc và phải nhập khẩu từ nước ngoài. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu lớn, nhưng giá trị thặng dư rất nhỏ sau khi trừ đi các chi phí.

Trong bối cảnh đó, ngành dệt may vẫn đặt ra kế hoạch của năm 2017 là tốc độ tăng trưởng 6,5%-7%, đạt trên 30 tỷ USD trong năm 2017, cao hơn so với năm 2016.

Để có được kết quả này, theo ông Lê Tiến Trường, cần sự nỗ lực tổng hợp cả về phía doanh nghiệp, quản lý nhà nước và hạ tầng kinh tế – xã hội nói chung. Trong đó, đặc biệt tập trung vào năng suất, cải thiện chi phí lao động trên một sản phẩm và rút ngắn thời gian giao hàng dịch vụ đến các nơi. Ngoài ra, tập trung củng cố mạng lưới phân phối logistics đối với các nước.

Le Stitches là một trong những doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức FOB đang nỗ lực không ngừng cải thiện công nghệ, nâng cao trình độ để đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới, đối tác mới để duy trì và đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, trong vấn đề của dệt may hiện nay, để tận dụng được xu thế hội nhập toàn cầu, mang lại giá trị gia tăng cao, lợi nhuận lớn, doanh nghiệp gia công Việt Nam cần nhanh chóng chuyển từ phương thức gia công cắt may đơn giản (CMT) sang các phương thức gia công hiện đại (OEM), mang lại giá trị kinh tế lớn hơn cho mỗi đơn hàng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần sớm có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp may mặc nội địa chuyển đổi phương thức kinh doanh từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự thiết kế bán hàng) hay OBM (sở hữu nhãn hàng riêng).

Ví dụ như: chính sách ưu đãi tín dụng để mua nguyên phụ liệu do Việt Nam sản xuất; kích cầu đầu tư thiết bị chuyên dùng; xúc tiến phát triển khách hàng trực tiếp. Ngoài ra, nên có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp có kinh nghiệm tham gia dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi, như phát triển mẫu, nguyên phụ liệu…

Việc chuyển đổi phương thức kinh doanh không chỉ gia tăng giá trị thặng dư mà còn là động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may.